SKĐS - Trước những thông tin của dư luận về một số tổ chức cá nhân lợi dụng sự khan hiếm của vắc xin dịch vụ 5 trong 1 và 6 trong 1, Bộ Y tế đã có công văn khẩn đề nghị các sở y tế tỉnh/thành phố tăng cường công tác quản lý tiêm dịch vụ.
Theo Cục Y tế Dự phòng, ngày từ đầu năm 2015, Bộ Y tế đã có các văn bản chỉ đạo gửi các cơ sở tiêm chủng thực hiện nghiêm túc các quy định về tiêm chủng dịch vụ, bao gồm tổ chức thực hiện tiêm chủng, tiếp nhận, cấp phát và bảo quản vắc xin, thực hiện giám sát, xử trí các trường hợp phản ứng sau tiêm, thực hiện chế độ thống kê, báo cáo và các hoạt động truyền thông, phổ biến, tư vấn về lợi ích của vắc xin, khuyến khích sử dụng vắc xin thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng liên tiếp đưa các tin về việc sử dụng vắc xin “5 trong 1” và “6 trong 1” trong tiêm chủng dịch vụ không rõ nguồn gốc nhằm trục lợi từ tiêm chủng dịch vụ. Việc sử dụng vắc xin không đúng qui định có gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động tiêm chủng và lợi ích của người dân.
Để tăng cường quản lý tiêm chủng, Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế đã tiếp tục có Công văn số 1663/DP - VX gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố về việc tăng cường công tác quản lý tiêm chủng dịch vụ. Trong đó đề nghị Đồng chí Giám đốc Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị liên quan nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của Bộ Y tế và đặc biệt quan tâm, chỉ đạo việc tổ chức thực hiện tiêm chủng, tiếp nhận, cấp phát và bảo quản vắc xin, vật tư tiêm chủng, không sử dụng vắc xin không rõ nguồn gốc; thực hiện hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát việc sử dụng vắc xin và thông tin, truyền thông nhằm khuyến khích người dân thực hiện tiêm chủng đủ và đúng lịch đối với các vắc xin thuộc tiêm chủng mở rộng.
Bộ Y tế đề nghị các địa phương tăng cường quản lý tiêm chủng dịch vụ
Liên quan đến vấn đề giá vắc xin dịch vụ “5 trong 1” đang được nhiều người quan tâm, trong đó có vắc xin Pentaxim, ông Đỗ Văn Đông, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, cho biết, Bộ Y tế đã cho nhập khẩu 40.000 liều vắc xin Pentaxim 5 trong 1; trong đó, dự kiến phân phối 15.000 liều cho các địa phương miền Bắc và 25.000 liều cho miền Nam. Các cơ sở nhập khẩu đã gửi mẫu đi kiểm định, dự kiến sau 2 tuần kể từ ngày gửi mẫu sẽ có kết quả.
Ông Đông cho biết thêm, vừa qua, Cục Quản lý Dược đã cử các đoàn thanh, kiểm tra một số địa phương trên cả nước về tiêm chủng. Kết quả kiểm tra cho thấy, các địa phương đã tuân thủ chế độ giá kê khai của Cục Quản lý Dược (giá là 630.000 đồng/liều vaccine Pentaxim ). Tuy nhiên, Cục Quản lý Dược vẫn yêu cầu các Sở Y tế địa phương tăng cường kiểm tra. Theo đó, bất kỳ cơ sở y tế nào bán sai giá này đều là vi phạm và sẽ bị xử lý nghiêm khắc.
Bà Đặng Hồng Thúy, Giám đốc Công ty Hồng Thúy, nhà cung cấp độc quyền vắc xin 5 trong 1 dịch vụ ở khu vực phía Bắc cho biết dự kiến phân phối 15.000 liều vắc xin này về Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, Viện Vệ sinh dịch tễ TW, BV Bệnh nhiệt đới TW, BV Nhi TW, BV Việt - Pháp, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế Hà Nội và một số phòng khám có phòng tiêm chủng theo quy định của Nhà nước. Còn tại các địa phương khác, công ty chỉ phân bổ tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh.
Về tình trạng khan hiếm vắc xin, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho hay, trong năm 2016 tình trạng vắc xin dịch vụ vẫn khan hiếm bởi Công ty sản xuất ưu tiên cho các đơn hàng lớn lâu năm của các nước.
Tới đây sẽ có thêm khoảng 40.000 liều vắc xin 5 trong 1 được cung ứng ra thị trường
Trong khi đó, trẻ đến tuổi mà không được tiêm phòng sẽ rất nguy hiểm. Như bài học qua vụ dịch sởi năm năm 2014, hay gần đây là ho gà, bạch hầu... Qua giám sát cho thấy phần lớn các trường hợp mắc bệnh là do không được tiêm, hoặc tiêm chưa đầy đủ vắc xin phòng bệnh, hoặc do trẻ tiêm muộn.
Vì thế, khi mà nguồn vắc xin dịch vụ chưa đảm bảo, việc chờ đợi tiêm rất nguy hiểm, trẻ có thể bị mắc bệnh ở giai đoạn chờ đợi này. Trong khi đó, vắc xin trong tiêm chủng mở rộng luôn đáp ứng nhu cầu, cung ứng hàng triệu mũi tiêm cho trẻ em an toàn.
Riêng với vắc xin 5 trong 1, tại các thành phố lớn xảy ra hiện tượng “sốt” vắc xin dịch vụ, nhưng thực tế số trẻ tiêm vắc xin dịch vụ này chỉ chiếm hơn 10% so với gần 90% trẻ được tiêm vắc xin Quinvaxem trong tiêm chủng mở rộng. Hiện nay, ngay tại các thành phố lớn nhiều người dân cũng đã tiêm Quinvaxem cho trẻ.
Như tại Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, mỗi tháng tiêm khoảng 4.000 liều 5 trong 1 Quinvaxem, chưa kể số lượng tiêm được triển khai tại các trạm y tế xã, phường.
Về tình trạng vắc xin được rao bán trôi nổi trên thị trường trong thời gian qua, PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo: Bộ Y tế cấm việc buôn bán vắc xin ngoài thị trường, do vậy, người dân không nên tự mua, tự tiêm vắc xin "xách tay". Vẫn theo ông Trần Đắc Phu, vắc xin không bảo đảm chất lượng, không được bảo quản đúng quy trình thì rất dễ xảy ra phản ứng sau tiêm. Ngoài ra, nếu người tiêm không bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, không đủ các phương tiện cấp cứu nên khi xảy ra phản ứng thì rất nguy hiểm.
Nguồn: suckhoedoisong.vn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét