GuidePedia

Thứ Ba, 10 tháng 11, 2015

Tagged Under:

'Tăng giá dịch vụ y tế không ảnh hưởng tới người nghèo'

By: đức On: 21:18
  • Share The Gag
  • Vụ trưởng Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế - Nguyễn Nam Liên khẳng định như vậy trước hàng trăm câu hỏi việc tăng phí dịch vụ từ 15/11 tới ảnh hưởng như thế nào đối với bệnh nhân nghèo.

    - Cảm ơn các chuyên gia đã dành thời gian cho độc giả. Xin được hỏi! 1.800 dịch vụ y tế đồng loạt tăng thì những người nghèo chúng tôi làm sao có cơ hội chữa bệnh? (Oanh Trần, 44 tuổi, Hà Nội)

    - Ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Kế hoạch Tài chính Bộ Y tế: Theo chính sách của Đảng và Nhà nước ta hiện nay toàn bộ người nghèo theo chuẩn nghèo do Thủ tướng quy định. Trong đó, người dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng kinh tế xã hội khó khăn; người dân sinh sống ở vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn; các xã đảo, huyện đảo... được Nhà nước cho phép mua thẻ bảo hiểm y tế nên khi đi khám chữa bệnh được bảo hiểm xã hội thanh toán 100% chi phí khám chữa bệnh. Đối với người cận nghèo thì đã được Nhà nước hỗ trợ 70% để mua thẻ bảo hiểm y tế. Như vậy, người cận nghèo chỉ phải bỏ ra 30% mệnh giá thẻ bảo hiểm y tế (khoảng 186.000 đồng), khi đi khám chữa bệnh được bảo hiểm xã hội thanh toán 95% chi phí khám chữa bệnh nên việc tăng giá dịch vụ y tế thì không ảnh hưởng đối với nghèo vì đã được bảo hiểm y tế thanh toán.


    Ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Kế hoạch Tài chính Bộ Y tế

    - Tôi xin được phép hỏi và mong các đồng chí trả lời giùm:
    Bộ Y Tế liên tục tăng giá khám chữa bệnh. Vậy chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh có tăng theo hay không?. Các đồng chí hãy thử một lần giả làm thường dân và làm một cuộc vi hành đến tất cả các bệnh viện công trên cả nước để khám bệnh và xem cách phụ vụ bệnh nhân của các bệnh viện công nó như thế nào? Rồi cũng vi hành như vậy, các vị đến các bệnh viện tư để xem cách họ phục vụ bệnh nhân. Rồi các vị từ từ ngồi lại mà suy ngẫm và so sánh liệu các vị tăng viện phí thì các bệnh viện công có được cải thiện cách thức phục vụ, điều trị cho bệnh nhân hay không? Các quốc gia trên thế giới đang có xu hướng giảm và miễn giảm dịch vụ y tế cho người dân, còn Việt Nam thì đi ngược lại xu hướng của thế giới là sao? (Võ Đình Quốc Đạt, 37 tuổi, Ấp Tam Đông, Xã Thới Tam Thôn, Huyện Hóc Môn, TP HCM)

    - Ông Nguyễn Huy Ngọc, Phó giám đốc Sở Y tế Phú Thọ, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ:Chất lượng dịch vụ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: trình độ cán bộ, cơ sở hạ tầng, hệ thống trang thiết bị y tế. Hiện nay giá dịch vụ y tế mới chỉ được tính 3 trên 7 yếu tố đầu vào, chính vì vậy các cơ sở y tế công lập gặp rất nhiều khó khăn, nhiều dịch vụ kỹ thuật giá thu dịch vụ y tế không đủ bù đắp chi phí trực tiếp cho dịch vụ kỹ thuật đó. Khi liên Bộ có chủ trương điều chỉnh giá dịch vụ y tế, trước mắt sẽ kết cấu phụ cấp đặc thù và chi phí lương vào giá dịch vụ.

    Điều đó sẽ giúp cho các cơ sở y tế có điều kiện đào tạo nâng cao trình độ cán bộ, nâng cấp cơ sở hạ tầng và đầu tư trang thiết bị y tế. Đặc biệt, khi tính chi phí lương vào giá dịch vụ thì sẽ làm thay đổi căn bản tư duy và nhận thức của đội ngũ cán bộ y tế, bởi khi đó tiền lương của cán bộ y tế sẽ được người bệnh chi trả thông qua bảo hiểm y tế. Chính vì vậy các cơ sở y tế một điều kiện tiên quyết là phải nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ để người bệnh tin tưởng đến khám chữa bệnh. Đồng thời, khi giá dịch vụ y tế được tính đúng, tính đủ theo đúng giá trị thực sẽ tạo ra sự cạnh tranh công bằng và lành mạnh giữa các cơ sở y tế công và tư; nếu cơ sở y tế công mà chất lượng kém người bệnh sẽ không tin tưởng đến khám chữa bệnh, bảo hiểm xã hội sẽ không ký hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, thi nguy cơ các cơ sở y tế sẽ phải đóng cửa. 

    - Tăng giá 1.800 dịch vụ y tế có dẫn tới tăng giá mua bảo hiểm y tế không, thưa các chuyên gia? (Thanh Hà, 26 tuổi, Hà Nội)

    - Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Kế hoạch Tài chính Bộ Y tế: Theo tính toán của liên bộ (Bộ Y tế, Bộ Tài chính và Bảo hiểm xã hội Việt Nam), việc điều chỉnh giá lần này thì quỹ bảo hiểm y tế vẫn có khả năng cân đối đến hết năm 2017 nên từ nay đến năm 2017 thì chưa phải tăng giá mua bảo hiểm y tế. Từ năm 2018 trở đi liên Bộ sẽ xem xét khả năng cân đối của quỹ bảo hiểm tế để có giải pháp cho phù hợp nên bạn yên tâm từ nay đến năm 2017 chưa phải tăng mức đóng bảo hiểm y tế. Bạn đã có thẻ bảo hiểm y tế rồi thì về cơ bản phần chi phí khám chữa bệnh tăng lên sẽ do bảo hiểm y tế chi trả.

    - Tôi từng đi khám ở khoa tự nguyện của Bệnh viện Bạch Mai và vẫn phải chờ đợi rất lâu. Việc tăng giá này tôi nghĩ cũng chưa chắc đã khắc phục được tình trạng chờ đợi cả ngày mới đến lượt khám. Xin các chuyên gia giải đáp thắc mắc này cho tôi. Xin cảm ơn! (May Nguyen, 30 tuổi, Ha Noi)

    - Ông Nguyễn Ngọc Hiền - Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai: Tăng giá khám chữa bệnh lần này chỉ áp dụng với các bệnh nhân có BHYT, bệnh nhân không có thẻ BHYT vẫn giữ nguyên như cũ. Công suất của khoa khám bệnh theo yêu cầu hiện chưa đáp ứng được hết nhu cầu khám chữa bệnh, để giảm thời gian chờ đợi, bệnh viện đã tổ chức tiếp đón bệnh nhân từ 5 giờ sáng và khám hết bệnh nhân trong ngày, không để bệnh nhân phải chờ đến ngày hôm sau. Ngoài ra, bệnh viện còn tổ chức khám vào thứ Bảy và Chủ nhật để đáp ứng nhu cầu của nhân dân.

    - Tôi có đọc thấy giá giường bệnh tăng rất cao so với hiện tại. Vậy việc tăng giá này người bệnh còn phải nằm ghép giường bệnh? Nếu không nằm ghép bệnh viện có cung cấp đủ giường cho bệnh nhân? Xin cảm ơn các chuyên gia.(Nguyễn Thị Hồng Nga, 51 tuổi, 172 Hai Bà Trưng, quận 1, TP HCM)

    - Ông Nguyễn Huy Ngọc:Giá dịch vụ y tế sẽ được điều chỉnh theo hướng tính đúng, tính đủ như vậy các cơ sở y tế sẽ có điều kiện để đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, mở rộng quy mô bệnh viện, kê thêm giường bệnh. Như vậy sẽ góp phần quan trọng trong việc giảm quá tải, nằm ghép đang xảy ra ở một số bệnh viện, đặc biệt là tuyến trung ương. 

    Tại Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ trong những năm qua chúng tôi đã tập trung ưu tiên nâng cấp mở rộng khoa khám bệnh, bố trí thêm nhiều phòng khám, nhiều cửa tiếp đón, kê thêm nhiều giường bệnh. Chính vì vậy hiện nay đã cơ bản giải quyết được tình trạng quá tải, chờ đợi ở khu vực khám bệnh và nằm ghép ở khu nội trú. 


    Ông Nguyễn Huy Ngọc

    - Những dịch vụ y tế nào tăng giá nhiều nhất thưa chuyên gia? (Đan Tâm, 2527 tuổi, Hà Nội)

    - Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Kế hoạch Tài chính Bộ Y tế: Việc điều chỉnh giá lần này theo nguyên tắc tính đủ chi phí trực tiếp và tiền lương của cán bộ y tế nên đối với những dịch vụ kỹ thuật có chi phí tiền lương cao (như tiền ngày giường; các phẫu thuật nặng được xếp loại đặc biệt, loại một có tới 7-8 bác sĩ tham gia làm trong 3-4 giờ...) thì sẽ có mức tăng cao. Còn các dịch vụ sử dụng ít nhân lực, chi phí tiền lương trong giá dịch vụ thấp như các dịch vụ chiếu chụp, chẩn đoán, xét nghiệm thì có mức tăng thấp hơn.

    - Thưa Vụ trưởng Nguyễn Nam Liên, sau khi tăng giá các dịch vụ y tế, các bác sĩ, y tá, điều dưỡng có được tăng lương hay không? (HNgA, 32 tuổi, Ha Noi)

    - Ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Kế hoạch Tài chính Bộ Y tế :Hiện nay, ngân sách Nhà nước đang chi trả lương cho cán bộ y tế tại các bệnh viện công. Việc tính tiền lương vào giá dịch vụ y tế là thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước là từng bước chuyển ngân sách cấp cho các bệnh viện sang hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm y tế gắn với lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế. Do đó, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế không phải là nhằm mục tiêu tăng thu nhập cho nhân viên, cán bộ y tế mà để sử dụng có hiệu quả nguồn ngân sách Nhà nước, ngân sách không bao cấp tràn lan mà chỉ tập trung hỗ trợ cho người nghèo, người cận nghèo và các đối tượng chính sách tham gia bảo hiểm y tế.

    - Thưa Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, chi phí gói khám sức khỏe tổng quát sẽ tăng lên bao nhiêu? Gồm những dịch vụ gì? Bảo hiểm y tế trái tuyến chi trả ra sao? (Đan Phượng, 27 tuổi, Hà Nội)

    - Ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai: Hiện nay, Bộ Y tế chưa ban hành bảng giá khám sức khỏe tổng quát. Hiện, Bộ Y tế đang chỉ đạo xây dựng gói dịch vụ y tế cơ bản. Đối với bệnh nhân có BHYT đi khám chữa bệnh trái tuyến ở Bệnh viện Bạch Mai thì mức hưởng như sau:

    - Đối với khám chữa bệnh BHYT ngoại trú thì không được hưởng BHYT.

    - Đối với nhân điều trị nội trú thì được hưởng 40% chi phí điều trị trong phạm vi chi trả của BHYT.


    Ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai

    - Với những người thuộc vùng miền dân tộc thì chính sách tăng giá này được áp dụng như thế nào? (Họa lAn, 35 tuổi, Nghe An)

    - Ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Kế hoạch Tài chính Bộ Y tế :Hiện nay, hầu hết người dân sinh sống tại vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, người dân tộc sinh sống tại vùng kinh tế khó khăn đã được Nhà nước mua thẻ bảo hiểm y tế. Do đó, khi đi khám chữa bệnh được bảo hiểm y tế thanh toán 100% nên việc tăng giá dịch vụ lần này không ảnh hưởng đến người ở vùng dân tộc vì đã có bảo hiểm y tế chi trả.

    - Có thể cho biết chất lượng khám chữa bệnh của bệnh viện tuyến dưới ở các tỉnh thành được thay đổi như thế nào về công nghệ, kỹ thuật và trình độ y bác sĩ không? (Nguyễn Thu Chân, 25 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội)

    - Ông Nguyễn Huy Ngọc, Phó giám đốc Sở Y tế Phú Thọ, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ:Khi điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế, các cơ sở y tế sẽ có thêm điều kiện đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nâng cấp cơ sở hạ tầng, đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại, tiếp nhận chuyển giao các dịch vụ kỹ thuật từ tuyến trên về tuyến dưới. Vì vậy, nhiều dịch vụ kỹ thuật trước đây chưa thực hiện được thì nay sẽ được triển khai tại các cơ sở y tế, nhờ đó người dân không phải vượt lên tuyến trên để thực hiện những dịch vụ kỹ thuật này.

    Ngành y tế Phú Thọ trong những năm qua đã tập trung ưu tiên cho việc đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho các cơ sở y tế, chuyển giao các dịch vụ kỹ thuật từ bệnh viện đa khoa tỉnh cho các bệnh viện và trung tâm y tế tuyến huyện. Nhờ đó, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã triển khai 100% các dịch vụ kỹ thuật theo phân tuyến. Đặc biệt bệnh viện đa khoa tỉnh đã triển khai thành công nhiều dịch vụ kỹ thuật loại đặc biệt mà trước đây chỉ có một số bệnh viện trung ương triển khai được dịch vụ kỹ thuật này như: phẫu thuật sọ não, thay khớp, can thiệp mạch... Từ đó, giúp người dân được tiếp cận sớm nhất với các dịch vụ y tế chất lượng cao, hạn chế việc phải chuyển tuyến trên, giảm chi phí cho người bệnh, gia đình người bệnh và xã hội, góp phần giảm tải cho tuyến trung ương. 

    - Việc tăng giá lần này sẽ áp dụng cho những bệnh viện nào? Cả công và tư, tuyến trên, tuyến dưới hay sao ạ? (Phan Ngọc Trâm, 35 tuổi, TP HCM)

    - Ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Kế hoạch Tài chính Bộ Y tế : Việc tăng giá lần này sẽ áp dụng cho tất cả các bệnh viện có ký hợp đồng khám chữa bệnh với cơ quan bảo hiểm y tế, cả bệnh viện tuyến trên và tuyến dưới, cả bệnh viện công và bệnh viện tư có khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Trước mắt chỉ áp dụng với người có thẻ bảo hiểm y tế, đối với người chưa có thẻ bảo hiểm y tế thì vẫn thực hiện mức giá như hiện nay. Trong năm 2016, liên Bộ Y tế,Tài chính sẽ căn cứ vào tình hình kinh tế xã hội để trình Chính phủ việc áp dụng cho người không có thẻ bảo hiểm y tế tại thời điểm phù hợp.

    Giá dịch vụ lần này áp dụng để thanh toán bảo hiểm y tế nên người có thẻ bảo hiểm y tế nhưng đi khám chữa bệnh tại bệnh viện tư còn được lợi vì bảo hiểm y tế thanh toán với mức cao hơn do đó số tiền chênh lệch giữa giá của bệnh viện tư và giá do bảo hiểm y tế thanh toán sẽ giảm đi. Do đó, người bệnh chỉ phải chi trả ít hơn.

    - Chương trình cho tôi hỏi, người có bảo hiểm y tế sẽ bị ảnh hưởng như thế nào khi tăng viện phí? Xin cảm ơn! (Hồng An, 40 tuổi, Thủy Nguyên, Hải Phòng)

    - Ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai: Tăng giá dịch vụ khám chữa bệnh lần này chỉ ảnh hưởng đến người tham gia BHYT cùng chi trả 5% và 20%.

    Cụ thể, đối với người cận nghèo, mức cùng chi trả là 5%; những người làm công ăn lương mức cùng chi trả là 20%. Tuy nhiên, người bệnh khi cùng chi trả chỉ phải trả tối đa bằng 6 tháng lương cơ bản (6,9 triệu đồng) trong năm. Khi vượt quá mức này, cơ quan BHYT sẽ chi trả toàn bộ số vượt này.

    - Vì sao đã có chủ trương của Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho phép các bệnh viện thu tính vào giá dịch vụ để chi trả phụ cấp thủ thuật, trực, phẫu thuật. Nhưng bảo hiểm xã hội tỉnh không cho phép, vẫn xuất toán. Vậy, bệnh viện phải nghe cơ quan nào? Trong khi bảo hiểm xã hội tỉnh quản lý và cấp tiền. (Nguyễn Quốc Trí, 51 tuổi, Bố Trạch, Quảng Bình)

    - Ông Nguyễn Huy Ngọc, Phó giám đốc Sở Y tế Phú Thọ, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ: Khi thông tư liên Bộ về điều chỉnh giá dịch vụ y tế chính thức có hiệu lực thì giá khám bệnh và giá giường nằm sẽ được tính theo hạng bệnh viện; còn giá dịch vụ kỹ thuật khác sẽ được áp dụng chung trong toàn quốc. Chính vì vậy, khi các cơ sở y tế thực hiện đúng theo quy chế chuyên môn trong việc chỉ định các dịch vụ khám chữa bệnh và tính chi phí giá dịch vụ kỹ thuật đúng theo quy định thì sẽ được cơ quan Bảo hiểm xã hội chi trả. 



    Ông Nguyễn Huy Ngọc, Phó giám đốc Sở Y tế Phú Thọ, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ

    - Chi phí giường nằm cho bệnh nhân nói chung, bệnh nhân nhi nói riêng sẽ tăng lên bao nhiêu thưa Vụ trưởng Nguyễn Nam Liên? Nằm 2-3 bệnh nhân một giường thì chi phí thế nào? (An San, 27 tuổi, Từ Liêm, Hà Nội)

    - Ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Kế hoạch Tài chính Bộ Y tế :Giá ngày giường bệnh được quy định theo 5 hạng bệnh viện và mỗi một hạng bệnh viện có tới 9 loại giường khác nhau nên mức tăng có khác nhau. Riêng đối với giường bệnh nhân nhi như bạn hỏi thì tại bệnh viện nhi hạng một (ví dụ Bệnh viện Nhi trung Ương giá ngày giường hiện nay là 80.000 đồng, giá dự kiến áp dụng từ 14/12/2015 là khoảng 99.000 đồng, giá dự kiến áp dụng từ 1/4/2016 là khoảng 215.000 đồng). 

    Hiện nay Bộ Y tế và Bộ Tài chính cũng quy định rất rõ trường hợp 2 bệnh nhân nằm một giường thì bệnh viện chỉ được thu của người bệnh và thanh toán với bảo hiểm y tế tối đa 50% giá ngày giường; trường hợp cá biệt phải nằm ghép 3 thì chỉ được thu, thanh toán tối đa 30%.

    - Chào chương trình!Tôi muốn hỏi cơ quan nào sẽ thúc đẩy và giám sát để lộ việc tăng viện phí thực sự có lợi cho người dân? Xin cảm ơn! (Bình Nguyên, 27 tuổi, Đội Cấn, Hà Nội)

    - Ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Kế hoạch Tài chính Bộ Y tế:Bộ Y tế, Bộ Tài chính và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện tại các bệnh viện. Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo thanh tra Bộ Y tế, thanh tra Sở Y tế các tỉnh, thành phố phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội các tỉnh thanh tra, kiểm tra các việc thực hiện.

    - Mức viện phí mới khá cao so với thu nhập của người dân, đặc biệt là những hộ nghèo, vậy có biện pháp nào để giảm áp lực hay chi phí cho người dân để ai cũng được khám chữa bệnh một cách tối thiểu. (Huyền Thư, 36 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội)

    - Ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai: Việc tăng giá viện phí lần này là thực hiện chủ chương đổi mới cơ chế tài chính trong ngành Y tế của Đảng và Nhà nước: Giảm bao cấp trực tiếp cho các đơn vị khám chữa bệnh và chuyển số tiền này sang cho người bệnh thông qua hệ thống BHYT. Đối với người nghèo, nhà nước sẽ cấp tiền để mua BHYT và khi đi khám chữa bệnh sẽ không phải trả thêm bất kỳ chi phí nào trong phạm vi BHYT thanh toán. Như vậy, đợt tăng giá này không ảnh hưởng đến người nghèo.

    - Xin hỏi những người có bảo hiểm sẽ được lợi gì từ việc tăng giá khám chữa bệnh? (Huệ Chi, 22 tuổi, Hà Nội)

    - Ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Kế hoạch Tài chính Bộ Y tế: Hiện nay, nhiều đơn vị địa phương mới thực hiện mức giá bằng khoảng 70-80% chi phí trực tiếp để thực hiện dịch vụ, trong khi ngân sách Nhà nước thì không đủ chi lương cho các bệnh viện nên nhiều trường hợp bệnh viện yêu cầu người bệnh chi trả thêm hoặc phải mua thêm một số vật tư, hóa chất để thực hiện dịch vụ.

    Giá dịch vụ lần này sẽ tính đủ chi phí trực tiếp và tiền lương nên người dân sẽ không phải chi trả thêm hoặc phải mua thêm một số vật tư, hóa chất nói trên mà sẽ được cơ quan bảo hiểm y tế thanh toán. Mặt khác khi tính đủ chi phí trực tiếp thì các bệnh viện tuyến dưới sẽ có kinh phí để thực hiện các dịch vụ, người có thẻ bảo hiểm y tế sẽ được thụ hưởng dịch vụ ngay tại địa bàn nơi cư trú và được bảo hiểm y tế thanh toán.

    - Khi ban hành quy định tăng giá 1.800 dịch vụ y tế, liệu một số nơi có tận dụng cơ hội này để cơi nới thêm tiền thu phí của người dân? Nếu có thì làm sao để kiểm soát được tình trạng đó? (Minh Huyền, 24 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội)

    - Ông Nguyễn Huy Ngọc, Phó giám đốc Sở Y tế Phú Thọ, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Phú Thọ:Khi điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế, thì các cơ sở y tế không được phép thu thêm các chi phí đã được kết cấu trong giá dịch vụ y tế. Các cơ quan quản lý Nhà nước sẽ kiểm tra giám sát việc thực hiện thanh toán này, đặc biệt là cơ quan Bảo hiểm xã hội sẽ kiểm tra giám sát và thẩm định các chi phí trước khi thực hiện thanh toán. Đồng thời, theo quy định các cơ sở khám chữa bệnh phải niêm yết công khai bảng giá dịch vụ y tế, chính vì vậy bản thân người dân, người bệnh cũng sẽ là những người giám sát trực tiếp. 

    Ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Kế hoạch Tài chính Bộ Y tế :Bộ Y tế đã yêu cầu các bệnh viện phải công khai bảng giá được cơ quan có thẩm quyền quyết định để người dân biết và thực hiện, cũng như để cơ quan bảo hiểm xã hội thanh toán khám, chữa bệnh cho người dân. Đồng thời, Bộ y tế cũng đã giao nhiệm vụ cho các cơ quan chuyên môn của Bộ Y tế và các địa phương phải tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Bộ Y tế cũng đã có đường dây nóng nên đề nghị người bệnh nếu có trường hợp bệnh viện thu sai so với giá quy định thì phản ánh vào đường dây nóng để Bộ Y tế và các cơ quan chức năng xem xét giải quyết. 


    Ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Kế hoạch Tài chính Bộ Y tế

    - Xin được hỏi chuyên gia, khi tính lộ trình xã hội hóa giá dịch vụ y tế, các vị có tính đến việc trả ngân sách ngành hưởng về cho Nhà nước và rồi trả lại cho người nộp thuế không? (Vũ Anh Quân, 37 tuổi, Hà Nội)

    - Ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Kế hoạch Tài chính Bộ Y tế:Việc tính lương vào giá dịch vụ y tế thực hiện chủ trương chuyển phần ngân sách Nhà nước cấp cho các bệnh viện (phần chi lương) sang để chi cho y tế cơ sở, y tế dự phòng, chương trình mục tiêu y tế quốc gia và một phần dùng để hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng chính sách của Nhà nước.

    - Các ông có chính sách gì hỗ trợ người nghèo không? (Kim Tan, Hà Nội)

    - Ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Kế hoạch Tài chính Bộ Y tế:Đối với người nghèo, Nhà nước đã mua thẻ bảo hiểm y tế cho người dân, khi đi khám chữa bệnh được thanh toán 100% chi phí theo chế độ bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, một số loại thuốc bảo hiểm y tế không thể thanh toán toàn bộ mà chỉ thanh toán 50%. Mặt khác, người dân đi khám chữa bệnh ngoài chi phí khám chữa bệnh, còn rất nhiều chi phí khác như ăn ở, đi lại... nên để người nghèo được tiếp cận với các dịch vụ y tế thì Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định 139 năm 2002, quyết định 14 năm 2012 yêu cầu các tỉnh phải thành lập quỹ hỗ trợ khám chữa bệnh người nghèo để hỗ trợ một số chi phí cho người dân khi đi khám chữa bệnh. Bộ Y tế cũng đã yêu cầu các bệnh viện phải trích một phần nguồn thu để thành lập quỹ hỗ trợ khám chữa bệnh để hỗ trợ cho người bệnh nặng, hiểm nghèo có chi phí điều trị lớn. 

    - Tôi xin gửi các chuyên gia một số câu hỏi sau:
    1. Việc tăng tiền viện phí có chắc chắn đảm bảo chất lượng dịch vụ hay không, có làm tăng thiện cảm, sự kính trọng bác sĩ như trước đây văn hóa người Việt đã từng kính trọng, sau một thời gian hụt hẫng hay không?
    2. Gần đây tôi nghe nói có quy định đồng phục y tế. Nhưng tấm áo có làm nên thầy tu không, với tấm áo đó liệu có thay đổi chuẩn mực đạo đức, văn hóa ứng xử của bác sĩ, y tá, hộ lý bệnh nhân?
    3. Bằng cách nào ông có thể lắng nghe, từng lắng nghe, đã lắng nghe các tâm tư nguyện vọng của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân khi đã gặp bác sĩ. (Tuan matbo, 34 tuổi)

    - Ông Nguyễn Huy Ngọc, Phó giám đốc Sở Y tế Phú Thọ, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Phú Thọ:Việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế sẽ góp phần nâng cao chất lượng, vì các bệnh viện sẽ có thêm điều kiện để đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nâng cấp cơ sở hạ tầng, đầu tư trang thiết bị. Và đặc biệt phải có sự thay đổi căn bản của mỗi cán bộ y tế từ kỹ năng giao tiếp ứng xử, tinh thần trách nhiệm, đến trình độ chuyên môn. Điều đó sẽ góp phần nâng cao sự hài lòng của người bệnh, tăng sự thiện cảm và kính trọng của người bệnh đối với nhân viên ngành y tế. 

    Quy định đồng phục nhân viên y tế nhằm thống nhất đồng phục cho nhân viên y tế ở các cơ sở khám chữa bệnh, các vị trí công tác có chức năng nhiệm vụ khác nhau. Đồng thời góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp của nhân viên y tế. 

    Hiện nay, các cơ sở y tế đang triển khai rất nhiều hình thức để tiếp nhận các ý kiến góp ý, phản ánh của người bệnh, gia đình người bệnh như: thông qua họp hội đồng người bệnh cấp khoa phòng, cấp bệnh viện; hòm thư góp ý; số điện thoại đường đây nóng. Tại Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ, trong thời gian gần đây đã triển khai thêm bộ phận chăm sóc khách hàng, thường xuyên gọi điện thoại thăm hỏi và xin ý kiến góp ý sau khi người bệnh ra viện 3-5 ngày. Chúng tôi đã tiếp nhận được rất nhiều ý kiến góp ý giúp cho bệnh viện kịp thời khắc phục những vấn đề còn tồn tại để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế. 

    - Thưa ông, nói tăng giá để tăng chất lượng khám chữa bệnh thì tiêu chuẩn nào đánh giá chất lượng khám chữa bệnh tại mỗi bệnh viện, chẳng hạn một bệnh viện lớn và đông như Bạch Mai. Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai có thể đưa ra một số tiêu chí để chúng tôi yên tâm hơn? (Khánh Huyền, 24 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội)

    - Ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai: Bệnh viện Bạch Mai coi việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh là nhiệm vụ hàng đầu. Bệnh viện cũng có các biện pháp để nâng cao chất lượng dịch vụ như: Thực hiện các quy trình khám chữa bệnh chuẩn (ISO); thành lập phòng kiểm soát chất lượng; hàng năm đều thực hiện, đánh giá chất lượng bệnh viện theo 83 tiêu chí của Bộ Y tế. Hiện nay, các khoa xét nghiệm đã đạt được tiêu chuẩn ISO 15189 theo chuẩn quốc tế. Hầu hết các đơn vị trong bệnh viện cũng đã xây dựng và thực hiện theo quy trình ISO.


    Ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai

    - Việc điều chỉnh giá tác động mạnh thế nào đến người không có thẻ BHYT nếu chẳng may ốm đau, thưa các chuyên gia. (Minh Trang, 30 tuổi)

    - Ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Kế hoạch Tài chính Bộ Y tế:Theo lộ trình trước mắt chỉ điểu chỉnh giá dịch vụ bảo hiểm y tế, đối với người chưa có thẻ bảo hiểm y tế thì chưa điều chỉnh, vẫn áp dụng mức giá như hiện nay. Về lâu dài thì tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế đối với cả người chưa có thẻ bảo hiểm y tế. Bảo hiểm y tế là một trong ba chính sách an sinh xã hội lớn của Đảng và Nhà nước. Luật bảo hiểm y tế cũng đã quy định bảo hiểm y tế là bắt buộc và đặt ra mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân để giảm bớt gánh nặng tài chính của người dân khi không may bị đau ốm. Bộ Y tế rất mong muốn người dân hiểu rõ chính sách ưu việt, nhân văn của bảo hiểm y tế để tham gia bảo hiểm y tế. 

    Để thực hiện lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân, ngoài việc hỗ trợ 100% mệnh giá thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng như người nghèo, dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi..., hỗ trợ tối thiểu 70% cho người cận nghèo, Chính phủ cũng đã và đang dành ngân sách để hỗ trợ tối thiểu 30% mệnh giá cho người làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp có mức sống trung bình tham gia bảo hiểm y tế. Đồng thời để khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình, Chính phủ cũng đã quy định giảm mức đóng cho các thành viên trong hộ gia đình tham gia bảo hiểm y tế. Cụ thể: người thứ nhất đóng 100% mệnh giá (khoảng 621.000 đồng một năm), người thứ hai chỉ phải đóng 70%, người thứ ba đóng 60%, người thứ 4 đóng 50%, từ người thứ 5 trở đi chỉ phải đóng 40%.

    - Giá thuốc bệnh viện có tăng trong đợt điều chỉnh này không vậy các chuyên gia? (Tân An, 26 tuổi, Hà Nội)

    - Ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Kế hoạch Tài chính Bộ Y tế:Việc điều chỉnh giá lần này chỉ tác động đến các dịch vụ kỹ thuật y tế như: khám bệnh, ngày giường điều trị, các kỹ thuật chiếu chụp chẩn đoán, xét nghiệm; phẫu thuật, thủ thuật...; không ảnh hưởng đến giá thuốc. 

    Giá thuốc người dân và cơ quan Bảo hiểm xã hội thanh toán cho bệnh viện thì được lấy theo giá đấu thầu công khai rộng rãi của các bệnh viện. Hiện nay Bộ y tế cũng đang xây dưng thông tư quy định việc đấu thầu thuốc tập trung và đàm phán giá cấp quốc gia nhằm mục tiêu mua được thuốc có chất lượng với giá hợp lý theo quy định của luật Đấu thầu. 

    - Bệnh viện tuyến dưới được trang bị máy móc chất lượng nhưng đội ngũ nhân lực hiện tại có thể vận hành hiệu quả. Nếu thế, liệu có gây lãng phí máy móc, thiết bị không, thưa các chuyên gia? (Lê Thu Ngân, 25 tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội)

    - Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ kế hoạch tài chính:Trong thời gian vừa qua, Đảng, Chính phủ đã rất quan tâm đầu tư cho y tế, hầu hết các bệnh viện tuyến huyện, tỉnh đã và đang được đầu tư từ trái phiếu Chính phủ và ngân sách Nhà nước. Cơ sở hạ tầng, nhà cửa, buồng bệnh của các bệnh viện đã khang trang hơn; nhiều bệnh viện đã được đầu tư các trang thiết bị hiện đại. Để sử dụng có hiệu quả đầu tư của nhà nước, Bộ Y tế đã và đang triển khai nhiều giải pháp như: tăng cường đào tạo chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới, triển khai đề án bệnh viện vệ tinh, luân chuyển cán bộ chuyên môn y tế từ tuyến trên xuống tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng chuyên môn cho tuyến dưới và sử dụng có hiệu quả các trang thiết bị đã được đầu tư. 

    - Tôi thấy nhiều người dân thường bất ngờ khi đến viện khám mới biết giá cả dịch vụ được điều chỉnh. Vì không phải ai cũng có cơ hội đọc báo, xem TV. Ví dụ với các tỉnh như Phú Thọ thì Sở Y tế sẽ làm gì để tuyên truyền cho người dân rõ ràng về chính sách này, tránh gây hiểu nhầm? (Anh Hoa, 34 tuổi, Phu Tho)

    - Ông Nguyễn Huy Ngọc, Phó giám đốc Sở Y tế Phú Thọ, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ:Hiện nay khi có chủ trương chuẩn bị điều chỉnh giá dịch vụ y tế, rất nhiều cơ quan truyền thông đại chúng đã cùng vào cuộc để thông tin và tuyên truyền nội dung này. Tại Phú Thọ đã có thêm nhiều mô hình trong tuyên truyền như: phối hợp với các xã phường, thị trấn, khu dân cư tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh về một số nội dung chăm sóc sức khỏe, triển khai các dịch vụ kỹ thuật mới, tới đây chúng tôi sẽ đưa thêm nội dung tuyên truyền về việc điều chỉnh giá. Đồng thời, sẽ yêu cầu các cơ sở y tế trên địa bàn niêm yết sớm, đầy đủ, các thay đổi giá dịch vụ y tế và truyền tải thường xuyên các thông tin này trên hệ thống truyền thông, phát tờ rơi trong các cơ sở y tế. 


    Ông Nguyễn Huy Ngọc

    - Tôi đề nghị các ông cho biết, bệnh viện đa khoa tuyến huyện, như chỗ tôi, cơ sở vật chất, trang thiết bị rất kém, trình độ chuyên môn của thầy thuốc còn yếu, mà bây giờ cũng được tăng tiền như quy định thì chúng tôi không thể chấp nhận được vì không thể được hưởng quyền lợi tương ứng, làm sao để kiểm nghiệm việc này? Vậy chúng tôi thiệt hại nhiều chứ không thể khá hơn được (nguyễn tiến cường, 52 tuổi, Yên trung-Yên Phong-Bắc Ninh)

    - Ông Nguyễn Huy Ngọc: Khi điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế, thì các cơ sở y tế sẽ có thêm điều kiện để đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nâng cấp cơ sở hạ tầng, đầu tư trang thiết bị y tế để góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Trên thực tế cho thấy khi thông tư liên bộ số 04/2012 được ban hành, nhiều khoa khám bệnh, buồng bệnh điều trị ở các bệnh viện đã được cải thiện một cách đáng kể. Hiện nay, Bộ Y tế đang triển khai bộ tiêu chí quản lý chất lượng bệnh viện bao gồm 84 tiêu chí giúp đánh giá đúng chất lượng bệnh viện, dự kiến sẽ niêm yết công khai chất lượng của các bệnh viện và tiến tới sẽ áp dụng biểu giá dịch vụ theo chất lượng của bệnh viện. 

    - Với những người bị bệnh ung thư, không có bảo hiểm, việc chữa trị gặp nhiều khó khăn. Việc tăng viện phí có thể ảnh hưởng rất nhiều đến đối tượng này. Mong Vụ trưởng giải đáp rõ hơn về trường hợp này. (Mai Anh, 29 tuổi, Ha Noi)

    - Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Kế hoạch Tài chính Bộ Y tế:Theo lộ trình thì người không có bảo hiểm y tế cũng sẽ phải thực hiện mức giá tính đúng, tính đủ chi phí. Do đó, sẽ ảnh hưởng nhiều đến người bệnh ung thư không có bảo hiểm y tế vì vậy tôi rất mong bạn tìm hiểu chính sách bảo hiểm y tế để tham gia bảo hiểm y tế.

    Nếu bạn tham gia bảo hiểm y tế thì bảo hiểm y tế sẽ thanh toán 80%, bạn chỉ phải đồng chi trả 20% chi phí khám, chữa bệnh. Trường hợp đã tham gia bảo hiểm y tế từ 5 năm liên tục trở lên, khi số tiền đồng chi trả lớn hơn 6 tháng lương tối thiểu thì bảo hiểm y tế sẽ thanh toán phần vượt này.

    Mặt khác, để giảm bớt khó khăn cho người bị bệnh nặng, hiểm nghèo có chi phí điều trị lớn như bệnh ung thư, chạy thận nhân tạo, mổ tim..., Bộ Y tế đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các tỉnh thành lập quỹ hộ trợ khám chữa bệnh cho người nghèo theo quyết định số 14 của Thủ tướng Chính phủ đồng thời đã chỉ đạo các bệnh viện phải trích một phần nguồn thu để lập quỹ hỗ trợ khám, chữa bệnh cho các đối tượng khó khăn, có chi phí điều trị lớn.

    - Thưa ông, có phải việc tăng giá lần này nhằm khuyến khích tất cả người dân cùng mua bảo hiểm y tế? Tuy nhiên, khi sử dụng bảo hiểm y tế, tôi thấy lắm phiền phức. Vậy thì có cách nào giải quyết được tình trạng "làm khó làm dễ" khi người bệnh sử dụng bảo hiểm y tế thay vì họ phải chi trả hết các khoảng điều trị? (Nguyễn Thảo Mai, 50 tuổi, Vũng Tàu)

    - Nguyễn Ngọc Hiền, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai: Đối với Bệnh viện Bạch Mai, quy trình khám chữa bệnh không phân biệt giữa người có thẻ BHYT và không có thẻ BHYT. Bệnh viện đã xây dựng quy trình chuẩn "một chiều, một cửa"cho người khám, chữa bệnh sử dụng BHYT nhằm giảm và đơn giản hóa các thủ tục hành chính. Hiện tại, người khám, chữa bệnh BHYT có quy trình ngắn hơn, thuận tiện hơn so với người không có BHYT.


    Ông Nguyễn Ngọc Hiền.

    - Tôi muốn biết việc điều chỉnh giá lần này sẽ diễn ra trong bao lâu hay vài tháng sau lại tiếp tục điều chỉnh lên cao nữa. Càng điều chỉnh thì tôi thấy không có lợi cho người dân. Vì có lẽ giá cứ cao dần. Xin ông lý giải về điều này? (Trần Tiến Dũng, 45 tuổi, Quận 12, TP HCM)

    - Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Kế hoạch Tài chính Bộ Y tế:Liên Bộ Y tế, Tài chính đã tính toán thận trọng việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế cụ thể dự kiến từ ngày 14/12/2015 áp dụng mức giá tính đủ chi phí trực tiếp và phụ cấp đặc thù. Những khoản chi này lẽ ra phải thực hiện từ năm 2012 nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện đầy đủ, thống nhất trong cả nước. Dự kiến ngày 1/4/2016, thực hiện mức giá có tính tiền lương. 

    Hiện nay, khoảng 25% dân số chưa có thẻ bảo hiểm y tế nên việc thực hiện mức giá có tiền lương vào năm 2016 là để người chưa có thẻ bảo hiểm y tế có điều kiện để tham gia bảo hiểm y tế. Khi thực hiện mức giá có tiền lương thì ngân sách Nhà nước sẽ không phải cấp cho các bệnh viện như hiện nay. Chính phủ sẽ sử dụng nguồn ngân sách này để tăng chi cho y tế dự phòng, y tế cơ sở và hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm y tế nhằm thực hiện mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân theo luật bảo hiểm y tế.

    - Tăng viện phí liệu y đức của người bác sĩ có được cải thiện không? (Hải Phạm, 45 tuổi, TP HCM)

    - Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Kế hoạch Tài chính Bộ Y tế: Việc nâng cao y đức của cán bộ y tế là một việc làm thường xuyên, liên tục của ngành y tế. Trong thời gian vừa qua, Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo các bệnh viện phải đổi mới phong cách, thái độ phục vụ người bệnh, lấy người bệnh làm trung tâm phục vụ. Hiện nay, 29 bệnh viện tuyến TW và nhiều địa phương đã ký cam kết và hưởng ứng phong trào này. Chúng tôi hy vọng rằng cùng việc đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của nhân viên y tế và điều chỉnh giá dịch vụ y tế thì chất lượng dịch vụ y tế sẽ được nâng cao.

    Nguồn: vnexpress.net

    0 nhận xét:

    Đăng nhận xét